Chùa Thập Tháp Di Đà đã trải qua hàng trăm năm tồn tại, là một trong những trung tâm Phật giáo nổi tiếng ở miền Trung, thuộc địa phận thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nơi đây được du khách biết đến bởi kiến trúc cổ kính bề thế, cùng những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc.
Lịch sử chùa Thập Tháp
Tên gọi chùa Thập Tháp là bởi xưa kia nơi đây có 10 ngọn tháp do người Chăm xây để “yểm hậu” cho thành Đồ Bàn.
– Thế kỷ 17, năm 1665, hòa thượng Nguyên Thiều cho dựng một am nhỏ tại đây để hoằng dương Phật pháp. Đến năm 1683, một ngôi chùa khang trang được xây dựng với vật liệu chính là gạch đá lấy từ 10 ngôi tháp Chăm bị đổ. Năm 1691, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa biển ngạch đề Thập Tháp Di Đà tự.
– Thế kỷ 18, vào năm 1749, chùa được trùng tu trên quy mô lớn. Đến cuối thế kỷ, phong trào Tây Sơn bùng nổ. Do nằm kề cận thành Đồ Bàn (nay gọi thành Hoàng Đế) nên chùa phải chịu tổn thất của nhiều cơn binh lửa, chứng kiến những trận đánh quyết liệt giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh.
– Thế kỷ 19, chùa được trùng tu với quy mô lớn, kéo dài trong nhiều năm, hình thành nên kiến trúc như ngày nay.
– Đến năm 1990, chùa Thập Tháp được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật thế kỷ 19, xếp hạng cấp quốc gia.
Kiến trúc chùa Thập Tháp
Trải qua lịch sử hơn 300 năm với 15 vị hòa thượng thuộc 9 đời trụ trì, chùa Thập Tháp đã trở thành một công trình kiến trúc Phật giáo có quy mô bề thế. Chùa được xây dựng trên một gò tương đối rộng hình mai rùa có chu vi gần 1 km.
Chùa quay mặt về hướng đông, trước cổng Tam Quan là một ao sen rộng chừng nửa mẫu có bờ xây bằng đá ong và không bao giờ cạn nước, xa xa là ngọn Thiên Đỉnh sơn (núi Mò O) quanh năm lãng đãng sương mây. Phía nam là thành Đồ Bàn và tháp Cánh Tiên sừng sững. Vây bọc sau lưng, bên trái rồi lượn về đông là một nhánh sông Quai Vạc, một chi lưu của sông Kôn. Khung cảnh nơi đây sơn thủy hữu tình.
Chùa được bao quanh bằng lớp tường mới xây dựng lại. Tam Quan với hai trụ cao và to, trên đỉnh đắp tượng sư tử, hai mặt trong ngoài có đề đôi câu đối. Chùa Thập Thập có kiến trúc kiểu chữ khẩu, bao gồm 4 khu vực chính: Khu chính diện có diện tích khoảng 400m2, khu phương trượng khoảng 130m2, khu tây đường khoảng 120m2, và khu đông đường khoảng 150m2, được nối với nhau bằng một sân rộng có trồng nhiều cây cảnh.
– Chính diện chùa Thập Tháp là một kiến trúc tương đối đồ sộ với kết cấu gỗ chiếm chủ yếu, gồm 5 gian có hành lang bao bọc dài 30m và rộng 20m, ba gian giữa là điện thờ, hai gian phụ hai bên là phòng chúng tăng. Kết cấu bộ sườn gồm các cột to một người ôm không xuể. Các đoạn trính (hoành) được chạm hình hoa cuộn, hình rồng cách điệu, uốn lượn trang nhã. Khám thờ chạm lưỡng long tranh châu, thờ tam thế phật Thích Ca, Di đà.
– Khu phương trượng chùa được xây bằng gạch, lợp ngói âm dương, mái cấu tạo nhiều lớp, đáng chú ý là bộ sườn gỗ và dàn khám thờ có kỹ thuật chạm trổ công phu. Nơi đây chia làm 3 gian, gian giữa là án thờ trụ trì, hai bên là chỗ nghỉ cho khách tăng.
– Khu Đông đường (bên trái) và Tây đường (bên phải) đối xứng nhau. Đông đường là nơi tiếp khách và chỗ ở của tăng chúng. Tây đường có lối kiến trúc gần giống phương trượng, mái lợp ngói âm dương, là nơi thờ phụng Sơ tổ khai sơn (Nguyên Thiều) cùng chư vị kế thừa.
Ngoài 4 hạng mục chính trên, góc phía tây chùa còn có nhà thánh với kiến trúc đơn giản thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan công, Thập Điện Diêm Vương… Và khu mộ tháp nằm bên trái chùa, gồm 21 bảo tháp mang phong cách kiến trúc của nhiều thời kỳ khác nhau.
Bên trong chùa Thập Tháp ở Bình Định vẫn còn giữ được nhiều di vật quý, nổi bật là đôi câu liễn sơn thếp cao 2.5m ghi bài ngự đề của chúa Nguyễn Phúc Chu, đặc biệt là trên 1.500 bảng kinh khắc gỗ và 389 bộ kinh giấy. Ngoài ra, chùa còn có một số hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn.