Tổng hợp các ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Bình Định

Tổng hợp các ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Bình Định

(Dân trí) – Ngoài thỏa sức nô đùa với sóng biển dạt dào, những bãi cát dài thơ mộng, đến Bình Định, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều di tích kiến trúc tôn giáo, văn hóa nổi tiếng.

Chùa Thập tháp

Nằm trên địa bàn xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, cách Quy Nhơn khoảng 27km về hướng tây Bắc, chùa được xây dựng và năm 1668 với vật liệu là các viên gạch đỏ lấy từ phế tích của 10 tháp Chàm xung quanh nên gọi là chùa Thập tháp và được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch “Thập tháp Di Đà Tự”. Đến nay trải qua lịch sử trên 340 năm, thập tháp Di Đà Tự đã trở thành công trình kiến trúc Phật giáo có quy mô hoành tráng, là bộ sử bằng di tích thể hiện quá trình phát triển của Phật giáp đàng trong. Và đây cũng là ngôi tổ đình của phái Lâm tế.

Bên cạnh ý nghĩa đó, quần thể kiến trúc điêu khắc và toàn bộ cảnh quan chùa Thập tháp ngày nay còn là một di tích văn hóa có giá trị lớn trên nhiều phương diện đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật văn hóa 1990.

Chùa Long Khánh

Nằm ở thành phố Quy Nhơn, được xây dựng vào khoảng năm 1715, chùa Long Khánh là một trong những trung tâm phật giáo lớn của Bình Định, là nơi sinh hoạt tôn giáo của tăng ni phật tử và là điểm tham quan du lịch của du khách gần xa. Hiện nay chùa còn lưu giữ một số đồ vật quý: Thái Bình Hồng Chung (Khánh đồng) được đúc vào năm 1805 (triều Gia Long); Tấm biểu trưng (Long Khánh Tự) được làm vào năm 1813.

Chùa Linh Phong

Được xây dựng năm 1702 trên lưng chừng một ngọn đồi nằm ở nam núi Bà thuộc huyện Phù Cát, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km. Chùa có lưng dựa vào núi cao, mặt trông ra hướng biển, xung quanh có sông nước uốn lượn, phong cảnh thanh tao, kỳ vĩ, không gian tĩnh mịch với tên gọi ban đầu là Dũng Tuyền, đến năm 1733 chúa Nguyễn Phúc Chu xuống chiếu cho xây lại chùa và đổi tên thành Linh Phong, ban cho nhà sư trụ trì pháp hiệu Tỉnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền Sư. Có truyền thuyết kể rằng vua Minh Mạng nằm mơ được Đại Lão Thiền Sư dâng thuốc chữa khỏi bệnh nên đã xuống chiếu cấp bạc để trùng tu lại chùa năm 1892. Hiện nay chùa còn lưu lại nhiều di sản văn hóa có giá trị cho thế hệ sau.

Chùa Sơn Long (Hàm Long)

Chùa Sơn Long nguyên là Giang Long Thiền Thất, tọa lạc trên sườn núi Trường Úc. Sau đó, chùa được tái thiết trên một khu đất hình thang sát chân núi, cách cầu Trường Úc khoảng 700 mét về hướng đông, nay thuộc phường Nhơn Bình, Quy Nhơn. Tương truyền dưới chân núi phía sau chùa xưa kia có một tảng đá rất lớn trông như miệng rồng có hàm trên, hàm dưới với một cái lưỡi nhỏ đưa ra ở chính giữa nên gọi là đá Hàm Long. Do sự tàn phá của thời gian nên dấu ấn này không còn nữa.

Trong chùa có 15 ngôi mộ tháp lớn nhỏ, có những ngôi mộ vẫn giữ nguyên nét rêu phong, cũ kỹ của mấy trăm năm về trước, có mộ tháp đã được trùng tu khang trang hơn. Đến Long Sơn, bạn còn được chiêm ngưỡng bức tượng Phật Lồi 7 đầu rồng bằng đá nặng 1,5 tấn, cao 3,1 mét với hoa văn chạm khắc sau lưng. Bức tượng được xác định của người Chăm tạc từ thế kỷ 13. Dù dáng vẻ còn khiêm tốn nhưng Sơn Long vẫn dập dìu du khách phương xa đến thăm viếng, vãn cảnh, đặc biệt là trong những dịp đầu năm mới.

Chùa Nhạn Sơn

Nằm cách Quy Nhơn khoảng 25km, lúc đầu chỉ là một ngôi chùa nhỏ do dân làng địa phương đóng góp công sức xây lên để thờ ông Đỏ và ông Đen. Đến thế kỷ 16, chùa đã được trùng tu lại và đặt tên là chùa Nhạn Sơn, do phía trước chùa có cánh đồng giống như hình con chim Nhạn, phía sau chùa là ngọn núi.

Chùa Nhạn Sơn có rất nhiều giai thoại hấp dẫn xung quanh hai ông Đỏ và Đen. Ông Đỏ là Huỳnh Tấn Công, ông Đen là Lý Xuân Điền. Ông Đỏ là quan văn, ông Đen là quan võ của vua Chiêm Thành ở thế lỷ 13. Cả hai ông đều có công lớn trong việc chữa trị hết bệnh hiểm nghèo cho vua Chiêm Thành, giúp vua tránh được cuộc chiến với quân Xiêm và giữa hai ông có mọt tình bạn rất keo sơn. Sau khi hai ông mất, vua Chiêm Thành tập hợp nghệ nhân giỏi nhất về tạc tượng để tưởng nhớ công đức. Hai pho tượng được tác bằng đá khối liền nhau, mỗi tượng cao gần 3 mét, nặng cả tấn được đặt trong chánh điện chùa Nhạn Sơn.

Chùa Bà – Nước Mặn

với lễ hội hàng năm như một hồi âm thời phồn vinh của cảng thị Nước Mặn thuở xưa. Cảng thị này hình thành là nhờ sự cộng sức của người Việt với các thương nhân nước ngoài: Nhật, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ý, nhất là người Hoa từ đầu thế kỷ XVII.

Theo gia phả dòng họ Quách người Minh Hương cựu thuộc (1) ở Bình Định ghi lại thì biết được: năm 1610, có các thuyền buôn người Hoa vào cửa Thị Nại (Cửa Thử) theo sông đi vào đất liền vài ba cây số, lập phố buôn bán cùng người Việt và thương nhân nước ngoài, làm nên một đô thị cảng ven biển Quy Nhơn, thời bấy giờ dân địa phương gọi là Nước Mặn.

Thời điểm ra đời của cảng thị Nước Mặn nêu trên đây phù hợp với sử sách thường ghi về việc hình thành các cảng thị Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII.

Thông thường, người Hoa tới nước ngoài cư trú ở đâu được một thời gian, họ nhóm họp đông, tạo nên phố phường thì thành lập Thiên Hậu Miếu và Quan Thánh Đế Miếu để thờ cúng, nhằm giải quyết nhu cầu đời sống tâm linh và cố kết cộng đồng Minh Hương. Người Nước Mặn gọi hai ngôi đền linh thiêng này một cách dân gian là Chùa Bà và Chùa Ông. Chùa Bà thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (vợ của trời), Chùa Ông thờ Quan Công (Quan Vân Trường). Tục thờ Thiên Hậu là  của người Minh Hương nhưng khi du nhập vào Đàng Trong thì lại hòa với tục thờ Mẫu của người Việt, nên Chùa Bà sớm trở thành nơi thờ cúng, sùng bái chung của người Việt và người Minh Hương trong vùng.

Chùa Bà – Nước Mặn được thành lập từ năm nào? Đây là câu hỏi của người Nước Mặn và là một câu hỏi khó trả lời chính xác về tháng năm. Vì chùa xây dựng đã lâu đời, trùng tu nhiều lần qua nhiều cuộc chiến ác liệt, lai lịch, sắc phong của vua chúa triều Nguyễn bị mất trong chiến tranh, các bức hoành, liễn, câu đối bị hư hỏng nặng, thay đi đổi lại nhiều lần. Câu trả lời có thể chấp nhận được là chùa được tạo lập khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, từ sau năm 1610 đến năm 1626.

Xác định có thể chùa thành lập trong khoảng thời gian này là nhờ biết rõ hai sự kiện: một là người Hoa đến Nước Mặn đông vào năm 1610 và nhà thờ Thiên chúa giáo đầu tiên ở Quy Nhơn (2) được dựng lên ở Nước Mặn năm 1618. Buổi đầu thừa sai Buzomi – cha bề trên của toàn Đàng Trong, và các cha De Pina, Borri đều truyền giáo ở đây. Hai là, trong thời gian 1623-1626, ở Nước Mặn đã xảy ra sự tranh chấp ảnh hưởng đối với dân chúng giữa các thừa sai Thiên chúa giáo và các thầy sư sãi, từ thừa ở địa phương. Để làm mất uy tín, vu cáo nhau, họ đã bẻ cổ, chặt tay các tượng, lật đổ đồ thờ và vứt ngổn ngang trong ngôi đền linh thiêng nhất (Chùa Bà, Chùa Ông) trong vùng, gần nơi các cha ở. Quan phủ Quy Nhơn đã phải cho điều tra tường tận để trình quan trấn Quảng Nam và phân xử rõ ràng (3). Như vậy năm 1626 đã có Chùa Bà.

Buổi đầu mới dựng có lẽ chỉ là một ngôi chùa đơn sơ, qua nhiều lần trùng tu chùa mới đẹp đẽ, khang trang như ngày nay.

Sau ngày đất nước thống nhất, chùa bị chiến tranh hủy hoại nhiều, mái sập tường xiên, ngoài bàn thờ và các pho tượng, trong chùa còn một cái ang dùng để đốt vàng mã. Bên thành ang có đề dòng chữ Gia Khánh Đinh Tỵ niên trọng đông các đóng Vạn Minh lô tạo. Kỷ vật này cho biết ang do lò Vạn Minh ở Trung Quốc đúc tặng chùa năm 1797 (Cảnh Thịnh thứ 5). Ang đã được đưa về Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn) lưu giữ. Có người căn cứ vào niên đại đề trên ang để xác định năm thành lập chùa là không đúng. Theo chúng tôi, sau một lần trùng tu Chùa Bà, người Hoa bên Trung Quốc gửi ang này sang tặng người Minh Hương ở Nước Mặn nên mới đề lên ang niên đại ấy.

Cho đến nay người Nước Mặn vẫn tôn sùng, thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu. Cứ đến ngày 1 và 2 tháng 2 âm lịch hàng năm họ tổ chức lễ hội Chùa Bà trong ba ngày một cách thành kính, ngưỡng vọng, nhưng không ai biết rõ Bà là ai, kể cả bài văn tế Bà từ xưa để lại cũng thất truyền, vị chánh tế chỉ biết thực hiện nghi thức vái lạy và khấn nôm tùy theo ý mình mà thôi. Vì lai lịch Thiên Hậu Thánh Mẫu thất truyền nên mỗi người hiểu một cách, đồn đại về nguồn gốc của Bà khác xa với lai lịch vốn có từ xưa.

Gần đây chúng tôi đi tìm gia phả họ Quách ở Thuận Nghĩa và may mắn được đọc Kỷ Yếu Nịnh Nương Đường nên mới biết rõ sự tích Thiên Hậu Thánh Mẫu:

Bà là Lâm Mị Châu tức Lâm Nương Nương, người Bồ Dương – Phúc Kiến. Sinh ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) đời vua Tống Nhân Tông, mười một tuổi đã tu theo đạo Phật. May tìm được một xấp cổ thư, Bà coi theo đó mà luyện tập rồi đắc đạo.

Một hôm, cha là Lâm Tích Khánh dùng thuyền cùng hai con trai, tức hai anh của Bà, chở muối đi bán ở tỉnh Giang Tây. Giữa đường gặp bão lớn, thuyền bị úp. Cả ba lặn ngụp chới với. Cùng ngày giờ đó trong lúc cơn bão xảy ra ở ngoài khơi thì bà đang ngồi dệt vải trên khung cửi. Bỗng nhiên Bà nhắm mắt, hai hàm răng nghiến chặt, hai tay đưa ra trước, dường như tìm níu một vật gì nặng lắm. Mẹ Bà ngồi gần thấy cử chỉ lạ lùng như vậy lấy làm lo sợ gọi. Bà không trả lời, mẹ Bà càng sợ, đến gần nắm hai vai vừa lắc vừa la to: “Sao vầy con, trả lời đi con! Nói lên mau kẻo mẹ sợ lắm!”. Bà mở mắt ờ một tiếng dài như vừa tỉnh giấc chiêm bao, rồi Bà khóc òa lên: “Mẹ ôi! Thôi rồi! Cha mắc nạn to, thuyền bị bão nhấn chìm. Nay con không cứu cha được cũng vì mẹ một hai “trục” con về. Âu chẳng qua cũng tại số trời”. Rồi Bà thuật lại: khi ban nãy Bà làm như vậy vì Bà đang một tay nắm anh cả, một tay kéo anh hai, cả hai chới với giữa các ngọn sóng dữ. Giữa lúc bối rối, bỗng bà thấy cha lặn hụp và sắp bị nước cuốn trôi nên dùng răng cắn được chéo áo của cha. Bà sắp cứu được cả ba cha con thoát nạn, thì kế đó nghe mẹ kêu giật, một hai lay ép Bà trả lời. Bà vừa hở môi trả lời mẹ thì sóng cuốn cha mất dạng, nên Bà chỉ cứu được hai anh thoát nạn mà thôi.

Quả đúng như Bà đã nói với mẹ, cách ít hôm sau hai anh trai về tả lại cảnh cha chết y như lời Bà thuật cách mấy ngày trước.

Từ đó tin đồn truyền ra, xa gần đều biết. Mỗi khi ra biển, tàu thuyền gặp nạn họ tin rằng ai van vái Bà thì tai qua nạn khỏi.

Về sau dân gian quá ngưỡng mộ danh Bà liền lập miếu thờ, mỗi khi gặp tai nạn nguy hiểm họ lại van vái Bà. Năm Canh Dần (1110) niên hiệu Đại Quang, nhà Tống sắc phong Bà là “Thiên Hậu Thánh Mẫu”. Những thương khách đi thuyền qua lại Việt Nam buôn bán thời bấy giờ rất tôn sùng Bà. Trên thuyền có hương án thờ Bà. Đến định cư ở đâu được ít lâu là lập “Thiên Hậu Thánh Mẫu Miếu”, người bình dân quen gọi là Chùa Bà (4).

Ngoài việc thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, người Hoa cũng như các làng Minh Hương ở Việt Nam còn có miếu thờ Bà Chúa Thai Sinh – Bảo Sản. Những người đàn bà hiếm muộn cần có con trai, con gái thường đến cầu nguyện. Chùa Bà – Nước Mặn cũng như các nơi khác trên đất Bình Định đều thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bà chúa Thai Sinh – Bảo Sản và Thành Hoàng trong cùng một miếu.

Câu chuyện lai lịch Thiên Hậu – Thánh Mẫu trên đây ghi lại trong Kỷ Yếu Tịnh Nương Đường năm “2000” nhuốm nhiều màu sắc hoang đường do những người làm nghề sông biển ở vùng Bồ Dương – Phúc Kiến đặt ra. Sự thực có lẽ có một bà Lâm Nương Nương đã có công giúp người bị nạn được người Hoa ở quê bà lập đền thờ và vua Tống có sắc phong cho miếu thờ Bà. Những người đi biển đã hư cấu thêm vẻ hoang đường để làm thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh của mình, hy vọng thờ cúng Bà mong tai qua nạn khỏi.

Mấy năm gần đây, cấp ủy và chính quyền địa phương cho khôi phục lại lễ hội Chùa Bà – Nước Mặn vốn có từ xưa. Theo chúng tôi đây là một chủ trương đúng. Vì phần lễ là tín ngưỡng lâu đời của người Minh Hương lẫn người Việt, phần hội với nhiều hình thức phong phú, nhiều trò chơi dân gian thể hiện sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tốt đẹp, lành mạnh của người dân cảng thị Nước Mặn ngày xưa. Nơi đã từng là một trung tâm văn hóa, thương mại nổi tiếng Đàng Trong từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII.

Có điều là nội dung và hình thức lễ hội trong vài ba năm qua cần được sửa đổi cho phù hợp với vẻ đẹp cổ truyền của văn hóa, văn nghệ Nước Mặn thời xưa, làm cho người Nước Mặn hiện nay hiểu rõ công lao bao đời đã dựng xây nên một đô thị cảng thuở trước. Và cũng cần loại trừ những nghi thức, những hành vi mê tín. Đến dự lễ hội thì đông nhưng người đi cầu con, cầu tài lại nhiều, người quan tâm đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ lành mạnh trong lễ hội thì ít.

Để khắc phục nhược điểm này, điều cốt yếu là các nhà văn hóa cần giúp đỡ địa phương về tổ chức, nội dung và hình thức lễ hội cho phù hợp với vẻ đẹp truyền thống vốn có của nó trong quá khứ mà nhiều cụ già trong vùng vẫn còn nhớ.

. Nguyễn Xuân Nhân

(Hội VHNT Bình Định)

  1. Minh Hương cựu thuộc: là những người Hoa sang Việt Nam lâu đời đã Việt Hóa.
  2. Trong thời gian từ 1602 đến 1651, tỉnh Bình Định gọi là phủ Quy Nhơn, nên Quy Nhơn ở đây là địa danh chỉ toàn cõi Bình Định ngày nay.
  3. Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Quyển I. Trang 78. Phần đặt trong ngoặc Là nhấn mạnh của người viết.
  4. Theo Kỷ Yếu Tịnh Nương Đường. T 104, 105